Phương Pháp Lập Trình Hướng Đối Tượng Trong Java

Mô tả:

Giới thiệu cuốn sách “Phương pháp lập trình hướng đối tượng trong Java”
Phần mềm ngày càng lớn và phức tạp và đòi hỏi được cập nhật liên tục để đáp ứng những
yêu cầu mới của người dùng. Phương pháp lập trình thủ tục truyền thống dần trở nên
không đáp ứng được những đòi hỏi đó của ngành công nghiệp phần mềm. Lập trình hướng
đối tượng đã ra đời trong bối cảnh như vậy để hỗ trợ sử dụng lại và phát triển các phần mềm
qui mô lớn.
Giáo trình này cung cấp cho sinh viên các kiến thức từ cơ bản cho đến một số kỹ thuật nâng
cao về phương pháp lập trình hướng đối tượng. Giáo trình dùng cho sinh viên ngành
Công nghệ thông tin đã có kiến thức căn bản về lập trình. Giáo trình sử dụng ngôn ngữ lập
trình Java để minh họa và đồng thời cũng giới thiệu một số kiến thức căn bản của ngôn ngữ
này.
Các nội dung chính về phương pháp lập trình hướng đối tượng được trình bày trong giáo trình
bao gồm lớp và đối tượng, đóng gói/che giấu thông tin, kế thừa và đa hình, xử lý ngoại lệ và

lập trình tổng quát. Ngoài ra, giáo trình cũng trình bày các kiến thức về Java bao gồm các đặc
trưng cơ bản của ngôn ngữ, các thư viện cơ bản và cách thức tổ chức vào/ra dữ liệu.
Thay vì cách trình bày theo tính hàn lâm về một chủ đề rộng, để thuận tiện cho giảng dạy,
giáo trình chọn cách trình bày theo các bài học cụ thể được sắp xếp theo trình tự kiến thức từ
cơ sở đến chuyên sâu. Mỗi chủ đề có thể được giảng dạy với thời lượng 2~3 giờ lý thuyết và
giờ thực hành tương ứng. Chương 2 và chương 6, với nội dung là các kiến thức cơ bản về ngôn
ngữ lập trình Java, tuy cần thiết nhưng không phải nội dung trọng tâm của môn học Lập
trình hướng đối tượng. Các chương này, do đó, nên để sinh viên tự học. Chương 9 và
Chương 10 không nhất thiết phải được dạy thành những chủ đề độc lập mà có thể được tách
rải rác các nội dung kiến thức và giới thiệu kèm theo các khái niệm hướng đối tượng có liên
quan, hoặc yêu cầu sinh viên tự đọc khi cần đến các kiến thức này trong quá trình thực hành.
Tuy cuốn giáo trình này không trình bày sâu về lập trình Java, nhưng kiến thức về lập trình
Java lại là cần thiết đối với sinh viên, ngay cả với mục đích thực hành môn học. Do đó, ngoài
mục đích thực hành các nội dung liên quan đến lập trình hướng đối tượng, các bài tập
thực hành của môn học này nên có thêm đóng vai trò định hướng và gợi ý giúp đỡ sinh viên
tự học các chủ đề thuần túy Java mà giáo viên cho là cần thiết, chẳng hạn như học về vào ra
dữ liệu đơn giản ngay từ tuần đầu tiên của môn học. Các định hướng này có thể được thể
hiện ở những bài tập thực hành với những đoạn chương trình mẫu, hoặc yêu cầu tìm hiểu tài
liệu API về một số lớp tiện ích. Một số bài tập cuối chương là ví dụ của dạng bài tập này.
Các thuật ngữ hướng đối tượng nguyên gốc tiếng Anh đã được chuyển sang tiếng Việt
theo những cách khác nhau tùy các tác giả. Sinh viên cần biết thuật ngữ nguyên gốc tiếng
Anh cũng như các cách dịch khác nhau đó để tiện cho việc sử dụng tài liệu tiếng Anh
cũng như để liên hệ kiến thức giữa các tài liệu tiếng Việt. Vì lí do đó, giáo trình này cung cấp
bảng thuật ngữ Anh-Việt với các cách dịch khác nhau tại Phụ lục C, bên cạnh Phụ lục A về
công cụ lập trình JDK và Phụ lục B về tổ chức gói của ngôn ngữ Java.
Các tác giả chân thành cảm ơn PGS. TS. Nguyễn Đình Hóa, TS. Trương Anh Hoàng, TS.
Cao Tuấn Dũng, TS. Đặng Đức Hạnh, cũng như các đồng nghiệp và sinh viên tại Khoa Công
nghệ thông tin, Trường Đại học Công nghệ đã đọc bản thảo giáo trình và có các góp ý quí báu
về nội dung chuyên môn cũng như cách thức trình bày. Tuy vậy, giáo trình vẫn còn nhiều
khiếm khuyết, các tác giả mong tiếp tục nhận được góp ý để hoàn thiện trong tương lai

Link tải sách: https://drive.google.com/drive/u/0/folders/1-di0UjFHeHIX2a5_FZoSDrKakX2bFkbC